Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Mẹ không còn đương nhiên nuôi con khi ly hôn

Theo nhận định của nhiều người thì  khi vợ chồng ly hôn, con cái ở với mẹ sẽ sung sướng hơn ở với bố: “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá ngoài đường”. Hơn nữa, người chồng cũng thích cho con ở với mẹ hơn để dễ dàng tái hôn, con không phải chịu cảnh mẹ ghẻ - con chồng. Nhưng nhiều người đã lầm về vấn đề này.

Có lẽ cũng xuất phát từ quan điểm này, theo Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) năm 2000, nếu con từ đủ 9 tuổi trở đi thì phải xem xét nguyện vọng của con, còn con dưới 3 tuổi, luật giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, nếu hai bên không có thỏa thuận khác. Mặc dù vậy trên thực tế, tuy “đương nhiên” được quyền nuôi con dưới 3 tuổi nhưng vì một số lý do nào đó mà không phải bà mẹ nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình.


Bằng chứng là trong thời gian gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ mẹ đẻ cùng cha dượng cùng nhau đánh con dưới 3 tuổi bầm giập, phải  nhập viện. Và cũng có nhiều bà mẹ tuy nhận nuôi dưỡng con nhưng lại để cho bà ngoại trông và bà ngoại đã hành hạ, đánh đập cháu như vụ xảy ra ở Giá Rai, Bạc Liêu.
Do đó, trong lần sửa đổi Luật HN-GĐ, những nhà làm luật đã cân nhắc rất kỹ vấn đề này để bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Theo đó, theo Luật sư Huỳnh Minh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, Luật HN-GĐ năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn có sự thay đổi so với luật cũ. Bên cạnh các nội dung vẫn được giữ nguyên, Luật HN-GĐ năm 2014 quy định  nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên là đã phải xem xét nguyện vọng của con, thay vì 9 tuổi như luật cũ.

Cũng theo Luật HN-GĐ năm 2014, khi vợ chồng ly hôn, “con dưới ba sáu tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con” (Điều 81). Quy định này tương tự luật cũ nhưng lại chặt chẽ hơn ở điểm không phải bất cứ trường hợp nào con dưới ba tuổi đều ở với mẹ.
Mặc dù con dưới 3 tuổi nhưng bản thân người mẹ không đủ điều kiện nuôi con, chẳng hạn: do đau yếu, bệnh tật triền miên; đi công tác xa liên tục dài ngày; không nghề nghiệp, việc làm, không có tài sản, thu nhập ổn định để nuôi con; người mẹ rơi vào tệ nạn xã hội: cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan, nghiện ngập, phạm pháp…, thì tòa án vẫn có thể giao con cho người cha được trực tiếp nuôi giữ và chăm sóc.
“Quy định phần nào bảo đảm hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ và cũng khắc chế được sự ỷ lại của một số bậc làm mẹ, vì cứ cho rằng con dưới ba tuổi thì đương nhiên thuộc về người mẹ nuôi nên họ không tập trung chăm lo, nuôi dạy con tốt…” - Luật sư Huỳnh Minh Vũ phân tích.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét